Bài kiểm tra hoạt động gắng sức như leo cầu thang, chạy bộ có thể giúp đánh giá chức năng hô hấp, phát hiện bất thường ở phổi.
Phổi là cơ quan quan trọng trong hệ hô hấp nhưng dễ bị tổn thương. Thạc sĩ, bác sĩ Trần Duy Hưng, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, tư vấn một số bài kiểm tra chức năng phổi đơn giản dưới đây để mọi người có thể chủ động thực hiện tại nhà.
Đi bộ leo cầu thang
Cách thực hiện: Đi thang bộ từ từ, nhẹ nhàng từ tầng một lên tầng ba. Lưu ý giữ tốc độ đều, chậm rãi như đi dạo bình thường.
Người có thể leo cầu thang dễ dàng, không cần dừng lại để nghỉ chân lấy sức chứng tỏ lá phổi khỏe mạnh. Ngược lại, chức năng phổi có vấn đề khi khó thở, không thở được hoặc quá mệt, cần nghỉ nhiều lần khi leo cầu thang. Lúc này bạn cần đến bác sĩ khoa hô hấp khám sớm.
Chạy tại chỗ
Chạy tại chỗ là phương pháp kiểm tra sức khỏe phổi thông qua hoạt động gắng sức dễ thực hiện.
Cách thực hiện: Đứng thẳng và chạy tại chỗ với tốc độ trung bình, đều đặn, không cần quá nhanh hay quá chậm. Cố gắng điều khiển hơi thở trong khi chạy.
Bạn có thể duy trì hoạt động chạy tại chỗ trên 5 phút mà không cần dừng nghỉ thì chức năng phổi tốt. Nếu thời gian chạy dưới 5 phút thì lá phổi có thể đang yếu.
Phương pháp nhịn thở
Bài kiểm tra này giúp đánh giá khả năng dự trữ khí, oxy của phổi và đường hô hấp.
Cách thực hiện: Lấy hơi và hít vào thật sâu, cố gắng hít vào hết cỡ, cho phổi căng phồng nhất có thể, bụng phình lớn. Sau khi hít vào, cần kiểm soát, giữ hơi, không để hơi thoát ra bằng đường mũi hoặc miệng nhằm tránh ảnh hưởng đến kết quả.
Nếu có thể giữ chặt hơi, nín thở từ 30 giây trở lên có nghĩa chức năng phổi hoạt động khá tốt. Nếu thời gian nín thở dưới 20 giây có thể chức năng phổi đang gặp vấn đề.
Phương pháp thổi nến
Để thực hiện bài kiểm tra này cần chuẩn bị một cây nến hoặc đèn dầu.
Cách thực hiện: Đặt nến hoặc đèn dầu đang thắp sáng ngang tầm thổi của miệng và cách khoảng 20 cm. Hít sâu hết sức và thổi nến.
Bài kiểm tra này đánh giá chức năng phổi qua thể tích thở ra tối đa trong giây đầu tiên. Nếu có thể thổi tắt ngọn lửa chỉ bằng một lần thổi mạnh đồng nghĩa sức khỏe phổi và hô hấp tạm ổn. Trường hợp cố gắng thổi ngọn lửa nhiều lần mới tắt nến, sức khỏe phổi và hô hấp chưa tốt.
Luyện tập, vận động giúp cải thiện khả năng hít thở, thể tích phổi được tăng cường, hơi thở sâu hơn. Tập luyện cũng kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp.
Bác sĩ Hưng lưu ý sau khi thực hiện các bài tập trên, người có chức năng phổi suy giảm thì nên đến khoa hô hấp khám để kiểm tra cụ thể và điều trị theo chỉ định nếu cần.
Ngoài tập luyện, chế độ dinh dưỡng, xây dựng lối sống lành mạnh tác động đến sức khỏe toàn cơ thể, trong đó hệ hô hấp. Duy trì chế độ ăn lành mạnh, nhiều chất xơ, vitamin và uống đủ nước mỗi ngày góp phần giúp phổi khỏe. Tiêm các vaccine cúm, phế cầu, ho gà có thể tăng miễn dịch, phòng bệnh hô hấp do virus gây ra.
Bác sĩ Hưng khuyên người hút thuốc nên cai thuốc để cải thiện chức năng phổi, ngăn ngừa nhiều bệnh phổi nguy hiểm. Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các bệnh đường hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ phổi, ung thư phổi.
Nguồn: https://vnexpress.net/4-meo-don-gian-tu-kiem-tra-phoi-4700854.html