Phục hồi chức năng hô hấp hậu Covid-19

(CMO) Ảnh hưởng về hô hấp là một trong những ảnh hưởng lớn do Covid-19 để lại đối với người nhiễm bệnh. Trong đó, có những biến chứng thực thể mà Covid-19 gây ra như xơ phổi, viêm cơ tim, tổn thương thận cấp, huyết khối. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có các phác đồ, phương pháp điều trị chuẩn. Do vậy, mục tiêu điều trị chính là các phương pháp phục hồi chức năng cho bệnh nhân.

Bác sĩ CKII Trần Quang Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, cho biết, theo các nghiên cứu, thống kê, triệu chứng hô hấp hậu Covid-19 hay gặp là khó thở, chiếm khoảng 14-36%. Tuỳ theo mức độ, có dạng thể nhẹ cảm giác hụt hơi, tăng khi gắng sức, hoặc nặng hơn, khó thở thường xuyên, giảm ô-xy máu (khi có tổn thương di chứng xơ phổi).

Ho kéo dài cũng là một trong những ảnh hưởng hô hấp do hậu Covid-19. Thường biểu hiện từ giai đoạn cấp tính, kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau đó, xuất hiện ở 7-34% các trường hợp nhiễm bệnh. Ngoài ra, đau ngực, cảm giác khó chịu trong lồng ngực, xuất hiện ở 10-22% các trường hợp. Một số triệu chứng khác cũng xuất hiện như khó phát âm (1-3%), đau họng (2-5%), ngừng thở khi ngủ (6-12%).

Trong đó, đối với triệu chứng xơ phổi, theo các chuyên gia, nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh xơ phổi do hậu Covid-19, gồm tuổi cao, nam giới, thời gian nằm viện dài.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đọc kết quả chụp CT kiểm tra tổn thương phổi và tim của bệnh nhân.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đọc kết quả chụp CT kiểm tra tổn thương phổi và tim của bệnh nhân.

Theo đó, để điều trị bệnh nhân hô hấp hậu Covid-19 phải đảm bảo trên nguyên tắc phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị, chăm sóc, đồng thời tư vấn dinh dưỡng và các chăm sóc hỗ trợ khác.

Trong 2 biện pháp điều trị, biện pháp điều trị bằng phục hồi chức năng được cho là hữu hiệu nhất hiện nay. Gồm 5 kỹ thuật phục hồi chức năng như: các kỹ thuật thở (thở hoành, tập thở với dụng cụ như Spiroball), mục đích làm tăng thông khí, giúp phổi giãn nở tốt hơn. Ðối với kỹ thuật tống thải đờm, sẽ giúp tống thải đờm làm sạch đường thở, tăng thông khí, giảm tình trạng nhiễm trùng tại phổi. Cùng với đó, các bệnh nhân được tập kỹ thuật giãn cơ (kỹ thuật giãn sườn, tập với ròng rọc, tập với thang tường) nhằm làm mềm và giãn cơ, tăng tưới máu tổ chức, giúp quá trình tập vận động được thực hiện tốt hơn. Còn với kỹ thuật tập cơ hô hấp (thở có trợ kháng, tập thở với dụng cụ) sẽ giúp tăng cường sức mạnh, sức bền của cơ hô hấp.

Ngoài ra, để giúp tăng cường sức mạnh, sức bền cơ các chi, giảm tình trạng teo cơ, giúp các hoạt động, di chuyển của người bệnh dễ dàng hơn… bệnh nhân sẽ được tập kỹ thuật tăng sức bền, sức mạnh cơ ngoại vi.

Ðối với cách kiểm soát khó thở ở bệnh nhân hậu Covid-19, Bác sĩ Trần Quang Dũng phân tích: Nguyên nhân khó thở có thể do phổi, tim mạch, hay yếu cơ. Do đó, khi khó thở (thường sau gắng sức), đầu tiên hãy bình tĩnh, dừng các hoạt động gắng sức, lựa chọn tư thế phù hợp để giảm khó thở. Sau đó, tập thở theo nhịp, như hít vào trước khi thực hiện hoạt động gắng sức, thở ra trong khi thực hiện hoạt động gắng sức. Có thể lựa chọn tư thế làm giảm khó thở như: nằm sấp, nằm nghiêng đầu cao, ngồi cúi đầu ra phía trước…

Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ ăn cân đối, hợp lý, như đa dạng các loại thực phẩm khác nhau, cung cấp đủ các chất dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối giữa các chất sinh năng lượng, giữa các chất khoáng, vitamin giúp cơ thể hồi phục sức khoẻ, tăng cân, tăng khối cơ.

Quản lý bệnh nhân hậu Covid-19 dựa vào triệu chứng (tập thở trên bệnh nhân khó thở) và chương trình phục hồi chức năng.

Bác sĩ Dũng khuyến cáo, khi có triệu chứng khó thở, ăn uống trở nên rất khó khăn, hãy làm theo hướng dẫn: Ngồi thẳng lưng khi ăn. Cần ăn và uống chậm rãi, hít thở đều. Nên ăn vào thời điểm ít khó thở. Ăn với lượng ít thực phẩm nhưng giàu năng lượng, nhiều protein, thường xuyên trong ngày. Chọn thức ăn mềm, dễ nhai, dề nuốt như thịt hầm, súp. Tránh ăn thức ăn quá nóng, hoặc quá lạnh vì có thể làm khó thở, ho nhiều hơn.

Bác sĩ Trần Quang Dũng lưu ý, hiện nay vẫn chưa có phác đồ, phương pháp điều trị chuẩn. Do đó, mục tiêu là phục hồi chức năng và tối ưu hoá chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Ðối với bệnh nhân mắc hậu Covid-19 từ đơn giản đến phức tạp, cần phối hợp liên chuyên ngành. Ðồng thời, quản lý bệnh nhân hậu Covid-19 dựa vào triệu chứng (tập thở trên bệnh nhân khó thở) và chương trình phục hồi chức năng./.

Hồng Nhung

Thẻ:

Bài viết liên quan