Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn lao gây ra, bệnh lao là một bệnh rất nguy hiểm, nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng trên thế giới. Mỗi năm có khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới và 1,5 triệu người tử vong trên toàn cầu. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần biết các dấu hiệu bệnh lao và điều trị bệnh lao thì người bệnh cần phải làm gì? Cách sống chung với người bệnh lao như thế nào để không bị lây nhiễm?
Lao phổi và những triệu chứng thường gặp
Bệnh lao (TB) do một loại trực khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis gây ra. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan từ người sang người thông qua không khí. Các dịch tiết của người bệnh lao khi họ ho hoặc hắt xì rồi sau đó phát tát ra không khí, người bình thường vô tình hít phải cũng có nguy cơ cao mắc lao phổi.
Trực khuẩn lao chủ yếu tấn công vào phổi, bệnh cạnh đó nó di chuyển thông qua đường máu hoặc hạch bạch huyết để tới các cơ quan khác của cơ thể như cột sống, thận, não. Lao phổi là thể lao phổ biến nhất, chiếm 80-85% và là nguồn lây bệnh chính cho cộng đồng.
Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh Lao và Lao kháng thuốc cao nhất thế giới. Theo số liệu của Chương trình Chống lao, năm 2022 số ca lao mới các thể của cả nước là 169.000 (173 trường hợp/100.000 dân), trong khi đó của TP.Hồ Chí Minh là 19.628 ca (227 trường hợp/100.000 dân). Tử vong do Lao tại Thành phố năm 2022 ghi nhận là 297 trường hợp.
Những triệu chứng thường gặp:
- Ho thường kéo dài hơn 3 tuần hoặc lâu hơn (có thể là ho khan, ho đờm hoặc ho ra máu): triệu chứng điển hình của bệnh lao
- Đau ngực, đôi khi cảm thấy khó thở, đau khi hít thở hoặc ho
- Cơ thể mệt mỏi kéo dài
- Cơ thể bị sốt, ớn lạnh về chiều, đổ mồ hôi đêm
- Chán ăn, sụt cân nhanh chóng
Bệnh lao phổi có nguy hiểm không?
Lao phổi là một căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và phát triển lây bệnh, làm tổn thương đến phổi, hệ hô hấp gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.
Lao phổi có khả năng lây lan rất nhanh và rộng. Bệnh khó kiểm soát sự lây lan, thậm chí ngay cả khi phòng ngừa cẩn thận, người khỏe mạnh vẫn có thể lây lao phổi từ người bệnh thông qua tiếp xúc một hoặc nhiều lần.
Những người mắc bệnh lao tiềm ẩn không truyền nhiễm và không có triệu chứng là do hệ thống miễn dịch của họ đang bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Nhưng khi cơ thể suy giảm miễn dịch, lao phổi tiềm ẩn sẽ chuyển thành lao phổi hoạt động và lây nhiễm cho người khác.
Bệnh lao phổi có chữa được không?
Lao là bệnh có thể điều trị khỏi. Bệnh nhân phải được bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt ngay sau khi được chẩn đoán. Điều trị lao đòi hỏi thời gian dài, bệnh nhân cần phải hiểu và tuân theo những nguyên tắc điều trị: dùng thuốc đúng liều, đều đặn, đủ thời gian.
Bệnh nhân lao phổi cần được chẩn đoán và chỉ định điều trị tại các bệnh viện, chuyên khoa hô hấp, lao để có hướng điều trị chuẩn xác nhất.
Điều trị lao được dựa trên các nguyên tắc sau:
- Phối hợp cùng lúc nhiều thuốc chống lao
- Dùng thuốc đúng liều
- Dùng thuốc đều đặn
- Dùng thuốc đủ thời gian
Không giữ đúng nguyên tắc, uống thuốc không đúng liều, không đều, không đủ thời gian, bệnh không thể chữa khỏi. Bệnh nhân có thể tử vong, bệnh trở thành mạn tính và lây sang cho nhiều người khác. Về sau nếu muốn tiếp tục điều trị sẽ rất khó khăn và khả năng thành công không còn cao. Ngoài ra, để điều trị lao phổi, các bác sĩ còn có thể phẫu thuật.
Những lưu ý khi chăm sóc người bệnh lao phổi
Phòng ngừa lây bệnh cho người thân
- Cách ly người bệnh ra phòng riêng, vệ sinh phòng ốc hàng ngày, sử dụng vật dụng riêng
- Bệnh nhân mang khẩu trang mọi lúc đặc biệt là khi ra khỏi phòng tiếp xúc với người khác
- Ho khạc vào ống nhổ cá nhân có dung dịch sát trùng.
- Vệ sinh cá nhân, thay quần áo, tắm giặt hàng ngày
- Bệnh phẩm phải được vứt bỏ và phân hủy theo quy định: khăn giấy bỏ vào thùng rác đậy kín và đem vứt ở đúng khu vực
Chăm sóc bệnh nhân lao phổi bị ho ra máu
- Người bệnh nằm nghỉ ngơi trong phòng, hạn chế di chuyển nhiều, nâng cao đầu và nghiêng đầu sang một bên
- Chuẩn bị một chiếc cốc bên cạnh giường để bệnh nhân ho vào, theo dõi được lượng máu, tránh nuốt ngược lại vì rất dễ gây nôn.
- Nếu bệnh nhân ho ra máu quá nhiều, đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân lao phổi
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, nấu những thức ăn mềm như cháo, súp
- Bệnh nhân mệt mỏi và chán ăn nên người nhà cần thay đổi thực đơn liên tục, động viên bệnh nhân ăn nhiều hơn
- Tuyệt đối không được hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích
- Hạn chế thực phẩm cay, nóng.
Chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt
- Bệnh nhân cần ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh: khoảng 7-8 tiếng/ngày
- Khi cơ thể dần hồi phục, bệnh nhân nên luyện tập thể thao nhẹ nhàng: đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng…, hạn chế đến nơi đông người.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về những lưu ý khi chăm sóc người bệnh lao. Lao phổi là một trong những bệnh truyền nhiễm và gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Chính vì thế cần chú ý cách phòng tránh hiệu quả và chăm sóc phù hợp cho bệnh nhân lao phổi.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Theo nguồn: https://www.pharmacity.vn/luu-y-cham-nguoi-benh-lao.htm