Tăng cường công tác phòng chống bệnh lao

         Công tác phòng, chống bệnh Lao tại Việt Nam thời gian vừa qua đã được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai tích cực và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đáng ghi nhận. Năm 2015, Việt Nam đã là 01 trong 9 nước đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở cả 3 chỉ số hiện mắc, mới mắc và tử vong do lao. Hệ thống y tế phòng, chống bệnh lao và bệnh phổi toàn quốc hoạt động hiệu quả: tỷ lệ điều trị thành công cao (92% đối với người bệnh lao nhạy cảm, trên 75% đối với người bệnh lao kháng thuốc); tình trạng lây truyền lao kháng thuốc trong cộng đồng từng bước được khống chế.

Tại Cà Mau, thời gian qua, ngành Y tế đã cùng các ngành, các cấp và cộng đồng triển khai nhiều giải pháp can thiệp làm giảm số lượng mắc và tử vong do bệnh lao. Tuy nhiên, hoạt động phòng, chống lao tại địa phương vẫn còn nhiều hạn chế nhất định. Hiện nay, mạng lưới phòng, chống lao trong tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, toàn diện; công tác tuyên truyền, khám sàng lọc, phát hiện và quản lý điều trị bệnh lao chưa được chặt chẽ; mức độ lây lan bệnh lao, đặc biệt là lao kháng thuốc là một thực trạng rất đáng lo ngại.

Nhằm đạt các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai chủ động, thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020, tầm nhìn 2023 và các chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoạt động phòng, chống bệnh lao. Tăng cường phối hợp thực hiện công tác công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, tổ chức và cá nhân trong cộng đồng về công tác phòng, chống lao. Phối hợp với Dự án ACT5 triển khai các hoạt động phát hiện, quản lý, điều trị lao tiềm ẩn, lồng ghép với việc phát hiện, quản lý, điều trị các bệnh nhân mãn tính như: Hen, COPD, cao huyết áp, đái tháo đường…

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cần phát triển chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ y tế; thường xuyên củng cố, nâng cao năng lực mạng lưới chống lao toàn tỉnh. Xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo duy trì hiệu quả các hoạt động phòng, chống lao từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, tăng cường phối hợp giữa các cơ sở khám chữa bệnh trong việc phát hiện, quản lý, điều trị và phòng bệnh lao. Tổ chức tập huấn, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các đơn vị thuộc Sở Y tế, y tế ngành, y tế ngoài công lập về phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao. Đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẳn sàng phục vụ công tác thu dung và điều trị bệnh lao.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh tổ chức tập huấn, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn nhằm nâng cao năng lực cho các bộ y tế cơ sở. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về phòng, chống bệnh lao trên các phương tiện thông tin đại chúng để giảm đi sự mặc cảm, kỳ thị nhằm phát hiện sớm và giảm nguồn lây lan ra cộng đồng. Dự trù và tiếp nhận đủ vắc xin phòng lao, giám sát thực hiện tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng trong tỉnh đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ…

Bên cạnh, đối với các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế huyện, thành phố cần thường xuyên củng cố, nâng cao năng lực mạng lưới chống lao tuyến cơ sở. Bám sát tình hình bệnh lao trên địa bàn để kịp thời tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống lao trong cộng đồng. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao đến sức khỏe, kinh tế của bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó thay đổi hành vi trong việc bảo vệ sức khỏe, chủ động các biện pháp phòng, chống lao. Các đơn vị cần có biện pháp đảm bảo việc điều trị của bệnh nhân dùng đúng phác đồ, đủ liệu trình và dùng thuốc điều đặn hằng ngày trong thời gian điều trị. Kịp thời tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm vắc xin lao…

Ngoài ra, đối với các bệnh viện ngành, cơ sở y tế ngoài công lập cần nâng cao nâng lực chuyên môn trong việc chẩn đoán, phát hiện sớm các trường hợp nghi lao để chuyển đến mạng lưới chống lao của tỉnh tiếp nhận, quản lý và điều trị. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trong công tác phòng, chống bệnh lao, hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Lê Kim
Nguồn: http://cdccamau.vn/phong-chong-benh-truyen-nhiem/tang-cuong-cong-tac-phong-chong-benh-lao-73007
Thẻ:

Bài viết liên quan