Mắc bệnh lao ở da

Người phụ nữ 50 tuổi, nổi sẩn ngứa cổ tay, chân, bôi thuốc không đỡ, kết quả phát hiện bị lao da hiếm gặp.

Ngày 7/7, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Trưởng khoa Lao ngoài phổi, Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ, cho biết hiện người bệnh đã hồi phục sau hơn một tháng điều trị.

Lao da là dạng lao ngoài phổi hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1%. Bệnh thường đi kèm với lao ở những cơ quan khác như phổi, ruột hoặc bộ phận sinh dục.

Biểu hiện bệnh phong phú, thay đổi tùy thuộc vào độc lực, số lượng của trực khuẩn lao và sức đề kháng của cơ thể người bệnh, gồm nốt sần, viêm, loét da mãn tính.

Nếu không chú ý phát hiện và điều trị sớm, lao da sẽ lan dần ra những vùng khác vừa gây mất thẩm mỹ, khó chịu, rát ngứa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt thường ngày.

Điều trị lao da không chỉ chú trọng các tổn thương ngoài da mà còn phải kiên trì kết hợp với các loại thuốc kháng lao. Thuốc có nhiều tác dụng phụ nhưng người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không thay đổi hay dừng thuốc.

Để phòng ngừa, người dân cần tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng; tập thể dục đều đặn nhằm tăng cường sức đề kháng; hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh lao. Nếu có biểu hiện bất thường trên da hay các cơ quan khác, nên đến cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị bệnh sớm.

Theo nguồn: https://vnexpress.net/mac-benh-lao-o-da-4767551.html

Thẻ:

Bài viết liên quan