Làm thế nào phân biệt ung thư phổi và lao phổi?

Bố tôi 60 tuổi, hút thuốc lá nhiều nhưng đã bỏ 7 năm. Ông bị ho cả tháng, ăn ít và sụt cân. Đây là triệu chứng ung thư phổi hay lao phổi? (Thủy Tiên, Hà Nam)

Trả lời:

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính, do sự phát triển bất thường và không kiểm soát của tế bào ung thư. Theo thông tin của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 23.600 người mắc mới và 20.700 người tử vong do ung thư phổi. Tổ chức Globocan ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,61 triệu người được chẩn đoán mắc mới và đây cũng là nguyên nhân gây tử vong do ung thư phổ biến nhất ở nam giới.

Trong giai đoạn sớm, ung thư phổi không có các triệu chứng đặc trưng. Các dấu hiệu thường xảy ra khi bệnh đã tiến triển và di căn như: đau xương, đau đầu, đau ngực, khó thở, khàn tiếng, ho ra máu, ho kéo dài, sụt cân không rõ nguyên nhân.

Khác với ung thư phổi, lao phổi là bệnh truyền nhiễm mạn tính do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis gây ra, lây qua dịch tiết đường hô hấp của người bệnh. Khi nói chuyện, ho hoặc hắt hơi, dịch tiết bắn vào không khí, truyền bệnh từ người này sang người khác.

Người bệnh lao phổi có biểu hiện ho dai dẳng kéo dài hơn 3 tuần, thường khạc ra đờm, có thể kèm máu. Ngoài ra, còn có các triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, ăn không ngon, sưng ở cổ, sốt, cơ thể tăng nhiệt, đổ mồ hôi đêm, giảm cân. Bệnh lao có thể gây tràn dịch màng phổi, viêm mủ màng phổi, viêm phế quản phổi, giãn phế quản và xơ phổi dẫn đến suy hô hấp.

Ung thư phổi và lao phổi đều là bệnh lý phổ biến, có tỷ lệ mắc cao, có nhiều triệu chứng giống nhau nên dễ nhầm lẫn. Các dấu hiệu chung của ung thư phổi và lao phổi như: sốt, ho dai dẳng, đau ngực, khó thở, khạc đờm, ho ra máu, chán ăn hay giảm cân.

Ung thư phổi và lao phổi đều có triệu chứng như ho dai dẳng. Ảnh: Freepik
Ung thư phổi và lao phổi đều có triệu chứng như ho dai dẳng. Ảnh: Freepik

Để phân biệt ung thư phổi và lao phổi, người bệnh cần cung cấp đầy đủ tiền sử và bệnh sử cho bác sĩ. Thông qua hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể phân loại hoặc loại trừ chính xác hơn. Ví dụ như tiền sử hút thuốc lá thường xuất hiện trong các trường hợp ung thư phổi, trong khi có hoặc không có trong bệnh lao phổi. Người bị bệnh lao phổi thường gặp tình trạng sốt nhẹ, cảm giác ớn lạnh vào chiều tối, ngược lại với bệnh ung thư phổi thì triệu chứng không đặc hiệu. Nếu người bệnh giảm cân đột ngột có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư bởi lao phổi khiến cơ thể giảm cân dần dần.

Thông thường, phương pháp chụp X-quang được sử dụng để đánh giá tình trạng bệnh phổi của người bệnh bởi cách thức thực hiện đơn giản, chi phí thấp, dễ áp dụng ở nhiều cơ sở y tế. Nếu phát hiện có tổn thương phổi trên phim chụp X-quang, người bệnh sẽ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT) giúp nhận định tổn thương phổi rõ hơn và định hướng phân biệt. Hiện nay, với hệ thống chụp cắt lớp (CT) 768 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chỉ cần chụp phổi liều thấp có thể phát hiện các nốt nhỏ bất thường chỉ 1-2 mm ở phổi hoặc dấu ấn ung thư từ giai đoạn sớm.

Hệ thống chụp CT 768 lát cắt có thể phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Hệ thống chụp CT 768 lát cắt có thể phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Để chẩn đoán xác định lao phổi, bác sĩ có thể chỉ định nhuộm soi đờm trực tiếp của người bệnh, nuôi cấy để tìm vi khuẩn lao và kiểm tra các chủng lao kháng thuốc nếu có. Bên cạnh đó, thực hiện sinh thiết xuyên thành ngực vào vị trí tổn thương hoặc nội soi phế quản để lấy bệnh phẩm xét nghiệm là phương pháp chẩn đoán phân biệt hiệu quả bệnh lao phổi hay ung thư phổi.

Đối với lao phổi, phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử trên mẫu máu có thể chẩn đoán hoặc loại trừ bệnh lao tiềm ẩn hoặc đang hoạt động. Xét nghiệm này đo lường phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với vi khuẩn lao, nhận diện chính xác nếu người bệnh có nguy cơ nhiễm lao cao (mặc dù chưa có các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng cho thấy bệnh lao hoạt động). Còn đối với ung thư phổi, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm các chỉ điểm khối u phổi trong máu (CEA, Cyfra 21-1, NSE…), thường tăng trong ung thư phổi.

Không phải tất cả các xét nghiệm đều được chỉ định giống nhau ở mọi bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh cần thăm khám trực tiếp với bác sĩ, trao đổi những vấn đề mình đang gặp phải cũng như tiền sử bệnh để bác sĩ cân nhắc và đưa ra phương pháp chẩn đoán phù hợp.

Nguồn: https://vnexpress.net/lam-the-nao-phan-biet-ung-thu-phoi-va-lao-phoi-4561000.html

Thẻ:

Bài viết liên quan