BỆNH VIỆN LAO VÀ BỆNH PHỔI TỈNH CÀ MAU TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC 2X TRONG TẦM SOÁT LAO CHỦ ĐỘNG TẠI CỘNG ĐỒNG

Cà Mau là một trong những địa phương thực hiện phòng chống, điều trị Lao rất tốt. Tuy nhiên vẫn chưa phát hiện hết số bệnh nhân mắc Lao và bị Lao tiềm ẩn tại cộng đồng. Vì thế với sự trợ giúp của Chương trình chống Lao quốc gia, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau đã triển khai hoạt động tầm soát Lao chủ động tại cộng đồng ở trên toàn tỉnh.

Tại một buổi khám sàng lọc bệnh Lao tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, từ sáng sớm, đông đảo người dân đã có mặt để khám, chụp X-quang tại chỗ bằng X-quang lưu động. Những trường hợp nghi mắc Lao sẽ được lấy đờm và sau đó chuyển về Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau làm xét nghiệm khẳng định.

Người dân chụp X-Quang sàng lọc bệnh Lao tại xã

Việc sàng lọc như thế này từ nhiều năm nay được gọi là tầm soát bệnh Lao chủ động tại cộng đồng với Chiến lược 2X (X-quang – Xpert) là chiến lược tiếp cận sử dụng đồng thời hai kỹ thuật chụp X-quang lồng ngực và xét nghiệm Gene Xpert trong sàng lọc phát hiện ca bệnh Lao.

Chiến lược 2X là một chiến lược chủ động của Việt Nam để tiếp cận với người nghi nhiễm Lao. Triển khai Chiến lược 2X trong phát hiện chủ động giúp đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay.

Các buổi khám sàng lọc tại cộng đồng sẽ bao gồm khám sàng lọc, phỏng vấn, thu thập thông tin các triệu chứng nghi Lao; chụp phim X-quang kỹ thuật số và tiến hành lấy mẫu đờm xét nghiệm Gene Xpert cho tất cả các đối tượng có tổn thương nghi Lao trên phim X-quang. Dựa vào kết quả xét nghiệm Xpert sẽ xác định chẩn đoán và đưa các trường hợp mắc Lao phổi vào quản lý và điều trị.

Với ý nghĩa trên, xét nghiệm Gene Xpert  đang giữ vai trò rất quan trọng trong hệ thống chẩn đoán phát hiện sớm bệnh nhân Lao và Lao đa kháng, giúp điều trị kịp thời và hạn chế lây nhiễm Lao ra cộng đồng.

Các bệnh nhân được phát hiện qua các đợt điều trị đều được đưa vào quản lý và điều trị tại Tổ chống Lao của các địa phương. Điều này mang lại cho việc quản lý và điều trị bệnh nhân Lao mang tầm quy mô mở rộng và hiệu quả hơn tại tỉnh Cà Mau.

Như vậy, thay vì chờ người dân tự đến bệnh viện khám, việc tổ chức khám tại cộng đồng đã giúp sàng lọc được số lượng lớn người dân bao gồm cả trẻ em. Đây là phương án hiệu quả, tăng khả năng phát hiện chủ động nhằm đưa người bệnh mắc Lao trong cộng đồng vào chăm sóc, quản lý, điều trị kịp thời.

Nhìn chung, việc khám tầm soát bệnh Lao tại cộng đồng của tỉnh Cà Mau diễn ra khá thuận lợi với khoảng 90% người dân tham gia trong các đợt triển khai. Tuy nhiên vẫn còn một số ít người dân vẫn còn chủ quan hoặc ngại đi khám.

Lao là bệnh truyền nhiễm, rất dễ lây lan. Do đó với chương trình sàng lọc Lao chủ động tại cộng đồng hoàn toàn miễn phí, người dân nên tham gia tích cực để có thể chủ động phát hiện bệnh Lao, điều trị sớm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và tránh lây lan ra cộng đồng./.

Thẻ:

Bài viết liên quan