Các loại viêm phổi thường gặp

Viêm phổi là một tình trạng bệnh lý rất hay gặp và được phân thành nhiều loại với các nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Tuy nhiên để việc thăm khám và điều trị đúng cách thì các bác sĩ phải phân loại được các loại viêm phổi.

1. Viêm phổi là gì?

Viêm phổi là một tình trạng bệnh lý hay gặp, thường do nhiễm trùng phổi gây ra, khiến các tổ chức tại phổi bị viêm và ảnh hưởng tới hoạt động chức năng của phổi. Viêm phổi gồm nhiều mức độ khác nhau, từ viêm phổi nhẹ cho tới mức độ nặng đe dọa tính mạng người bệnh.

2. Phân loại viêm phổi

Viêm phổi có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau tùy vào nguyên nhân và mục đích phân loại, tuy nhiên thông thường hay gặp hai kiểu phân loại, đó là phân loại theo nguồn lây nhiễm viêm phổi và phân loại theo nguyên nhân gây viêm phổi.

2.1. Phân loại viêm phổi theo nguồn lây nhiễm viêm phổi
Theo cách phân loại này viêm phổi được phân loại thành viêm phổi bệnh viện và viêm phổi cộng đồng:

Viêm phổi bệnh viện: Là loại viêm phổi xuất hiện sau khi bệnh nhân nhập viện 48 giờ, mà trước đó bệnh nhân hoàn toàn không có các biểu hiện của viêm phổi. Viêm phổi bệnh viện là một vấn đề nghiêm trọng, bởi tác nhân gây ra viêm phổi bệnh viện có thể kháng với nhiều loại kháng sinh, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Bệnh nhân sẽ dễ mắc viêm phổi bệnh viện hơn nếu:

  • Bệnh nhân đang nằm thở máy.
  • Bệnh nhân phải mở khí quản (để hỗ trợ hô hấp).
  • Hệ miễn dịch của bệnh nhân suy giảm (do bệnh lý hoặc do tác dụng không mong muốn của việc điều trị).

Viêm phổi cộng đồng: Viêm phổi cộng đồng là cách chỉ tất cả các loại viêm phổi mà không phải là viêm phổi bệnh viện. Nguyên nhân gây ra viêm phổi cộng đồng rất đa dạng, thông thường nhất là viêm phổi do vi khuẩn, virus. Sử dụng vắc – xin có thể giúp phòng tránh virus cúm và một số loại vi khuẩn nhất định có khả năng gây ra viêm phổi. Viêm phổi cộng đồng ở trẻ nhỏ còn có một loại đặc biệt hay gặp, đó là viêm phổi hít, xảy ra sau khi trẻ hít phải thức ăn, chất lỏng hoặc chất nôn vào trong phổi (khi trẻ bị ho, bị sặc,…).

2.2 Phân loại viêm phổi theo nguyên nhân gây viêm phổi
Các nguyên nhân gây viêm phổi thường gặp là do vi khuẩn, do virus, do nấm và do hóa chất.

2.2.1. Viêm phổi do vi khuẩn
Vi khuẩn là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp viêm phổi cộng đồng ở người trưởng thành. Viêm phổi do vi khuẩn thường lây truyền qua đường giọt bắn (khi người khỏe mạnh hít, nuốt phải các giọt chứa đầy vi khuẩn sau khi người mắc bệnh ho hoặc hắt hơi). Những người có hệ miễn dịch suy yếu, những người có các bệnh lý nền mạn tính (chẳng hạn như hen phế quản, khí phế thũng, hoặc bệnh lý tim mạch) sẽ dễ bị viêm phổi do vi khuẩn hơn người bình thường.

Người bệnh sốt cao trên 38 độ C

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của viêm phổi do vi khuẩn bao gồm:

  • Ho có đờm
  • Sốt trên 38 độ C
  • Thở nhanh
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Mệt mỏi

Phương pháp điều trị áp dụng phổ biến nhất với viêm phổi do vi khuẩn là sử dụng kháng sinh. Bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh thích hợp nhất cho bệnh nhân. Trong những trường hợp viêm phổi nặng, bệnh nhân có thể cần phải nằm viện điều trị.

Kháng sinh có nhiều đường dùng khác nhau, thông thường là sử dụng kháng sinh đường uống, tuy nhiên nếu bệnh nhân phải nằm viện thì kháng sinh hay sử dụng qua đường tĩnh mạch kèm theo các trị liệu cần thiết khác, chẳng hạn như hỗ trợ thở oxy, bù dịch, cân bằng điện giải,…

2.2.2. Viêm phổi do virus
Virus là nguyên nhân gây ra số trường hợp viêm phổi nhiều thứ hai sau vi khuẩn. Có rất nhiều loại virus gây viêm phổi, chẳng hạn như các loại virus gây ra cảm lạnh cũng như virus cúm.

Các biểu hiện và triệu chứng của viêm phổi do virus khá tương tự như các triệu chứng của cúm, bao gồm:

  • Sốt
  • Ớn lạnh, rét run
  • Ho khan, tuy nhiên có thể bội nhiễm và trở thành ho có đờm
  • Chảy nước mũi
  • Đau cơ
  • Đau đầu
  • Yếu người, mệt mỏi

Mức độ của các triệu chứng có thể diễn ra từ nhẹ cho đến nghiêm trọng.

Về mặt nguyên tắc, kháng sinh sẽ không sử dụng khi bị viêm phổi do virus, vì kháng sinh chỉ có tác dụng trên vi khuẩn mà không có tác dụng trên virus. Các phương pháp điều trị được áp dụng tùy theo các triệu chứng và diễn biến của bệnh. Bác sĩ thường khuyên bệnh nhân uống đủ nước, chỉ định các thuốc hạ sốt như acetaminophen hay ibuprofen – thuộc loại thuốc chống viêm không steroid (non – steroidal anti – inflammatory drug – NSAID), hỗ trợ thở oxy nếu cần,…

2.2.3. Viêm phổi do nấm
Nấm là một tác nhân gây viêm phổi ít phổ biến. Nếu là một người trưởng thành khỏe mạnh thì nguy cơ xuất hiện viêm phổi do nấm là rất thấp, nhưng nếu bị suy giảm miễn dịch vì bất kì lí do nào thì khả năng mắc viêm phổi do nấm sẽ tăng lên. Các nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch có thể là:

  • Sau ghép tạng phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch
  • Hóa trị liệu điều trị ung thư
  • Đang điều trị bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp
  • Nhiễm HIV

Viêm phổi do nấm xảy ra do người bệnh hít phải các bào tử của nấm, do đó có một số nghề nghiệp nhất định có nguy cơ cao hơn tiếp xúc với các bào tử của nấm, chẳng hạn như:

  • Nông dân
  • Người làm vườn, người tạo dựng cảnh quan,… (bởi họ tiếp xúc nhiều với đất)
  • Quân nhân, công nhân xây dựng,… (bởi môi trường làm việc của họ có nhiều bụi đất)
  • Các biểu hiện và triệu chứng của viêm phổi do nấm cũng tương tự như viêm phổi do các nguyên nhân khác (như sốt, ho,…)

2.2.4. Viêm phổi do hóa chất
Viêm phổi do hóa chất là loại viêm phổi đặc thù, rất ít gặp. Nhiều loại hóa chất có thể gây viêm phổi, và chúng có thể ở bất kì dạng nào, từ dạng hơi, dạng lỏng cho tới các phân tử rắn. Bên cạnh tổn thương phổi, các hóa chất còn có thể gây hại cho nhiều cơ quan khác.Viêm phổi do hóa chất xảy ra với nhiều mức độ khác nhau. Mức độ nặng của tình trạng sẽ phụ thuộc vào:

  • Loại hóa chất
  • Môi trường phơi nhiễm (trong nhà, ngoài trời,…)
  • Thời gian phơi nhiễm
  • Dạng hóa chất bị phơi nhiễm
  • Các biện pháp bảo hộ đã sử dụng
  • Các sơ cứu đã thực hiện
  • Thể trạng của bệnh nhân

Các triệu chứng của viêm phổi do hóa chất rất khác nhau, tùy thuộc vào loại hóa chất đã phơi nhiễm. Phương pháp điều trị phải phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân.Bệnh viêm phổi có khả năng dẫn đến tử vong cao cho người bệnh, chính vì vậy việc phòng ngừa các tác nhân gây bệnh viêm phổi là việc làm cấp thiết, đặc biệt là bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra.

Để phòng ngừa bệnh viêm phổi, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Tiêm phòng: Một số loại viêm phổi có thể được phòng ngừa thông qua tiêm phòng. Ví dụ như tiêm phòng viêm phổi do vi rút cúm hoặc vi khuẩn pneumococcus.
  • Rửa tay thường xuyên: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch là một cách đơn giản và hiệu quả để ngăn ngừa lây nhiễm.
  • Tránh tiếp xúc với người bị bệnh: Tránh tiếp xúc với người bị bệnh viêm phổi hoặc bệnh nhiễm trùng hô hấp.
  • Khử trùng: Vệ sinh các bề mặt và vật dụng thường xuyên để giảm thiểu vi khuẩn và virus.
  • Hạn chế hút thuốc: Hút thuốc lá có thể làm giảm chức năng hô hấp và tăng nguy cơ mắc bệnh phổi, vì vậy bạn nên hạn chế hút thuốc lá.
  • Tăng cường sức khỏe: Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên và đủ giấc ngủ để giữ sức khỏe tốt.
  • Tiêm phòng vaccine: Tiêm phòng các loại vaccine như vaccine phòng ngừa cúm, vaccine pneumococcus, vaccine pertussis và vaccine influenza có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh phổi.

Nếu bạn có triệu chứng bất thường như ho, khó thở, sốt hoặc đau ngực, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

– Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com – vinmec.com – suckhoevamonan.com

Thẻ:

Bài viết liên quan