Người trẻ mắc bệnh lao ngày một gia tăng

Theo báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao.

Năm 2018, từ vị trí 16/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao và 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, Việt Nam đã chuyển lên xếp thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Theo các chuyên gia, còn 40% người mắc lao trong cộng đồng nhưng chưa được phát hiện và điều trị, đặc biệt người trẻ mắc lao gia tăng.

Người trẻ mắc bệnh lao ngày một gia tăng -0
Bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương khám cho bệnh nhân trẻ mắc lao. Ảnh minh hoạ.

Đang học lớp 12, nữ sinh L.T.M.Q (Hà Nội) bỗng cảm thấy mệt mỏi, ho kéo dài, mua thuốc về uống nhưng mãi không khỏi. Môt thời gian sau, nữ sinh cảm thấy khó khở, sức khoẻ sa sút. Khi nhập viện vào Khoa Lao Hô hấp – Bệnh viện Phổi Trung ương, cả gia đình đã sốc khi cô được kết luận mắc lao phổi với hình ảnh chụp X-quang của nữ sinh cho thấy 2 bên phổi tổn thương toàn bộ, chứng tỏ đã phải trải qua thời gian dài mắc bệnh nhưng không phát hiện. Nữ sinh trải qua cuộc chiến chống bệnh lao phổi kéo dài suốt 2 tháng nằm viện và 6 tháng điều trị ngoại trú, sức khoẻ mới ổn định. Từ chỗ không thể ngồi dậy, không thể tự thay quần áo, không tự phục vụ được sinh hoạt cá nhân, nữ sinh đã chạy bộ được, tổn thương phổi đã hồi phục thần kỳ, vi khuẩn lao không còn hoạt động.

Tương tự, nam thanh niên L.A.H (24 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có biểu hiện gầy sút cân, ho đờm kéo dài khoảng hơn 1 năm, có lần ho ít máu lẫn đờm nhưng chưa đi khám. Tới khi đột ngọt ho ra máu kèm theo khó thở, anh được người nhà đưa đến Bệnh vện Phổi Trung ương khám. Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân tiếp tục ho ra nhiều máu, suy hô hấp, giảm oxy máu, đe dọa tính mạng, đã nhanh chóng được các bác sĩ cấp cứu, đặt nội khí quản, thở máy. BSCKI Nguyễn Văn Trường, Phó trưởng Khoa Cấp cứu cho biết, đây là trường hợp ho ra máu tắc nghẽn do lao phổi, phải nút mạch phế quản cầm máu và sử dụng thuốc lao sớm. Ho ra máu là tình trạng thường gặp trong cấp cứu về bệnh lao và bệnh phổi ở nước ta, tỷ lệ tử vong cao.

Nếu như trước đây, bệnh lao hay xảy ra ở người lớn thì nay đã gia tăng ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh viện Phổi Trung ương đã từng ghi nhận 4 sinh viên ở trọ cùng nhau và cả 4 người cùng lây bệnh lao. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận nhiều ca mắc lao là trẻ em vào nhâp viện. Đây là vấn đề đáng báo động. Theo báo cáo của Chương trình Chống lao Quốc gia, năm 2023, Việt Nam đã phát hiện 106.086 trường hợp mắc lao các thể, tăng 2.282 bệnh nhân, tương đương tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 27.151 (34,4%) so với cùng kỳ năm 2021. Phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%.

Các chuyên gia lo lắng khi bệnh dịch tễ bệnh lao Việt Nam còn rất nặng nề, đặc biệt gia tăng lao kháng thuốc. Kết quả điều trị lao kháng thuốc năm 2023 chỉ đạt mức 72,3% so với chỉ tiêu kế hoạch; tỷ lệ bỏ điều trị còn cao trong khi phác đồ chuẩn ngắn hạn đã được mở rộng trên cả nước.

Theo TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60%, còn gần 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị hoặc chưa báo cáo. Đây là điều rất nguy hiểm vì lao là bệnh truyền nhiễm, một người trong gia đình mắc lao rất có thể lây cho người sống trong cùng nhà, lây cho hàng xóm. Đặc biệt, hoạt động phát hiện lao trẻ em còn hạn chế, số ca lao trẻ em phát hiện còn thấp so với kỳ vọng và so với ước tính của WHO. Các chuyên gia cho rằng, để có thể tiếp cận và phát hiện được 40% số bệnh nhân lao trong cộng đồng là rất khó khăn nếu không có sự vào cuộc của người dân.

Theo WHO, năm 2022, số bệnh lao mới được phát hiện trên toàn cầu là 7,5 triệu người và cũng trong năm này, bệnh lao đã gây ra khoảng 1,43 triệu ca tử vong. Công cuộc thanh toán bệnh lao toàn cầu vẫn còn rất nhiều trở ngại và cần nhiều hơn nỗ lực từ các quốc gia. Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. Để làm được điều này, theo TS Đinh Văn Lượng, chúng ta còn rất nhiều công việc phải làm, thậm chí phải làm ngay, làm nhanh với các phương pháp làm mang lại hiệu quả tốt nhất. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, quan trọng nhất là phát hiện 40% người mắc lao tiềm ẩn ở cộng đồng để đưa vào xét nghiệm và điều trị, cắt đứt nguồn lây. Hiện nay, đã có 51/63 tỉnh, TP trên toàn quốc thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi.

Nguồn: https://cand.com.vn/y-te/nguoi-tre-mac-benh-lao-ngay-mot-gia-tang-i726346/

Thẻ:

Bài viết liên quan