TẤM THẺ BẢO HIỂM Y TẾ ĐỒNG HÀNH CÙNG BỆNH NHÂN LAO

Có tới 70% người mắc Lao ở trong độ tuổi lao động và phần lớn có điều kiện kinh tế khó khăn. Với thời gian điều trị kéo dài từ 6-8 tháng, thậm chí lên tới 2 năm nếu là Lao kháng thuốc, cùng với nhiều bệnh lý kèm theo, nên chi phí điều trị cho một bệnh nhân là rất lớn. Đây là một khó khăn đối với bệnh nhân nghèo, đặc biệt là những bệnh nhân Lao không có thẻ BHYT.
Trước đây, thuốc chống Lao hàng 1 được cấp miễn phí để người bệnh điều trị Lao. Nhưng bắt đầu từ tháng 7 năm 2022, nước ta đã triển khai cấp thuốc chống Lao hàng 1 bằng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Và tấm thẻ BHYT chính là cứu cánh cho bệnh nhân Lao, nhất là những trường hợp phải điều trị dài ngày.
Gia đình ông N.V.K. ở quận Hải Châu từ nhiều năm nay đều mua thẻ BHYT cho cả gia đình do nhận thấy tầm quan trọng của nó nếu không may gặp rủi ro về sức khỏe. Đầu năm nay, ông phát hiện mắc Lao, chi phí điều trị tại bệnh viện và điều trị ngoại trú đều được thanh toán theo BHYT.

BHYT

Bệnh nhân Lao điều trị tại khu Hồi sức tích cực – Bệnh viện Phổi Đà Nẵng

Nhưng không phải ai cũng có chung suy nghĩ như ông K., nhiều người phần vì điều kiện kinh tế, phần vì chủ quan nên không mua thẻ BHYT như trường hợp của chị H. ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ.
Chị H. năm nay mới ngoài 40 tuổi, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Cho đến khoảng hơn một tháng trước, chị bị ho và điều chị làm đầu tiên là ra tiệm thuốc tây mua thuốc về uống. Uống thuốc được 8 ngày, chị phát hiện ngày càng ho nặng hơn, thậm chí ho ra máu. Sau đó chị được phát hiện mắc bệnh Lao phổi nhưng điều không may là hơn một năm trở lại đây chị không mua BHYT nữa do nghĩ mình khỏe mạnh.
Quá trình điều trị, chị nhận ra tấm thẻ bảo hiểm quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là mắc bệnh Lao phải điều trị kéo dài. “Thật sự khi rơi vào trường hợp này mình mới thấy tấm thẻ BHYT rất quan trọng. Bình thường thì mình không thấy nó quan trọng đâu, giờ phải chịu chi phí điều trị như vậy mới thấy nó thực sự cần thiết. Do đó, tôi cũng đã đi mua lại rồi vì biết bệnh này phải điều trị dài ngày”, chị H. chia sẻ.
Hiện nay, Đà Nẵng là một trong những địa phương có độ bao phủ BHYT cao nhất của cả nước, tuy nhiên vẫn còn khoảng 5% người dân chưa tham gia và trong số đó có cả bệnh nhân Lao. Ngoài việc vận động người bệnh Lao tham gia BHYT, hiện Đà Nẵng đang có những chính sách để hỗ trợ bệnh nhân Lao; nhưng về lâu dài, người bệnh Lao vẫn phải tham gia BHYT để giảm được gánh nặng kinh tế khi phải điều trị bệnh kéo dài.

BHYTBệnh nhân Lao điều trị nội trú tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng

Ths.BS. Lê Thành Phúc – Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết: “Để đảm bảo cho mọi bệnh nhân Lao được điều trị khi thuốc Lao thanh toán bằng nguồn BHYT, trước mắt chúng tôi cũng vận động từ nhiều nguồn, thứ nhất là vận động bệnh nhân mua thẻ BHYT, thứ 2 là từ Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB của Chương trình chống Lao Quốc gia; Thứ 3 là chúng tôi vận động từ nguồn hỗ trợ bệnh nhân Lao nghèo do Sở Lao động thương binh xã hội thành phố huy động từ Quỹ toàn cầu. Như vậy bằng nhiều nguồn, chúng tôi cố gắng để làm thế nào đó bệnh nhân có thẻ BHYT. Trong thời gian bệnh nhân chưa có thẻ BHYT, chúng tôi cũng cố gắng cấp thuốc Lao từ nguồn ngân sách nhà nước còn lại để đảm bảo người dân, tất cả bệnh nhân Lao đều có thuốc điều trị khi mắc Lao”.
Đến nay, 07 Trung tâm y tế quận/ huyện, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ Sản-Nhi đã hoàn tất các điều kiện khám chữa bệnh Lao và thực hiện thanh toán thuốc Lao hàng 1 theo BHYT. Bệnh viện Phổi cũng đã phối hợp với 13 cơ sở y tế trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch nhu cầu thuốc Lao đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2024-2025 nguồn quỹ BHYT để đảm bảo thuốc điều trị cho bệnh nhân.
Có một điều bệnh nhân cần lưu ý theo BS. Nguyễn Thanh Mai – trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đó là, có một số người trước khi bị Lao hoàn toàn không quan tâm đến BHYT do họ đã mua bảo hiểm nhân thọ hoặc thẻ bảo lãnh viện phí. Tuy nhiên bệnh Lao thì thuốc được cấp theo BHYT. Có thể khi nằm viện họ sẽ được chi trả, nhưng khi điều trị ngoại trú thì chỉ được hưởng theo BHYT. Thêm vào đó, bệnh nhân Lao thường có thời gian điều trị kéo dài. Trong quá trình điều trị, những bệnh nhân có bệnh nền như Đái tháo đường, Tăng huyết áp… thì nguy cơ điều trị bệnh Lao sẽ thất bại nếu bệnh nhân không hợp tác. Khi đó, chi phí điều trị của họ sẽ là rất lớn, chưa kể là người thân của họ có nguy cơ bị lây bệnh. Do đó tấm thẻ BHYT thực sự rất quan trọng với người bệnh Lao nói riêng và tất cả mọi người nói chung.
Việc thuốc chống lao từ nguồn quỹ BHYT được cấp cho bệnh nhân Lao trên toàn quốc từ tháng 7/2022 đã đánh dấu cột mốc quan trọng, nhằm bảo đảm tài chính cho chương trình điều trị lao tại Việt Nam. Như vậy, chi phí điều trị bệnh Lao đã được quỹ BHYT chi trả và bệnh Lao có thể hoàn toàn chữa khỏi nếu tuân thủ phác đồ điều trị. Do đó, người dân, nhất là người mắc Lao nên trang bị cho mình tấm thẻ BHYT. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ để đảm bảo tất cả bệnh nhân lao có thẻ BHYT để họ an tâm điều trị, tránh lây lan ra cộng đồng./.

 Phan Yên
Nguồn: https://ksbtdanang.vn/chuyen-mon/truyen-thong-giao-duc-suc-khoe/tam-the-bao-hiem-y-te-dong-hanh-cung-benh-nhan-lao-787.html
Thẻ:

Bài viết liên quan