Bà Oanh, 56 tuổi, bệnh lao phổi, ho dai dẳng suốt nửa năm, bác sĩ khám phát hiện khối u trong phổi do nhiễm vi khuẩn nấm.
Hai năm trước bà Oanh, ngụ Sóc Trăng, phát hiện lao phổi, điều trị 8 tháng. Gần đây bà ho nhiều, hay ốm vặt, bác sĩ chẩn đoán viêm phổi nhưng uống thuốc không bớt, cơ thể suy kiệt, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Ngày 21/2, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân có khối u nấm phổi Aspergillus kích thước 2×3 cm ở thùy dưới phổi phải. U nấm phổi là tình trạng vi nấm khu trú trong một hang có sẵn ở phổi, biến chứng hay gặp sau điều trị lao, khiến phổi viêm nhiều lần, gây ho dai dẳng.
Trường hợp u nấm không đáp ứng điều trị nội khoa, phương pháp khắc phục hiệu quả nhất là phẫu thuật nội soi. Tuy nhiên, trường hợp bà Oanh, u nấm dẫn đến viêm phổi nhiều lần, màng phổi thành bị xơ và dính màng phổi tạng, khiến khoang màng phổi gần như biến mất. Thao tác sơ sẩy có thể làm rách phổi, tổn thương các mạch máu lớn, buộc phải chuyển sang mổ mở để sửa chữa tổn thương. Theo bác sĩ Dũng, đây là lý do hầu hết ca u nấm phổi đều được phẫu thuật mở để lấy khối u.
Bà Oanh muốn mổ ít xâm lấn để giảm rủi ro do sức đề kháng yếu. Ê kíp phẫu thuật mở ba đường mổ nhỏ khoảng 0,5-1 cm, tách các mô dính giữa màng phổi thành và màng phổi tạng, tạo lại khoang màng phổi để đưa dụng cụ nội soi vào. Sau hai giờ, toàn bộ khối u nấm được lấy ra. Bệnh nhân sinh hoạt bình thường sau mổ một ngày, tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ. 4 ngày sau, bà xuất viện, uống thuốc kháng nấm lâu dài phòng ngừa tái phát.
Bệnh nấm do Aspergillus ở phổi có ba thể gồm u nấm phổi, nấm phế quản dị ứng và nấm phổi xâm nhập.
BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết u nấm phổi ít gặp ở các nước phát triển (tỷ lệ dưới 1/100.000 người). Còn tại Việt Nam hay các quốc gia châu Phi, tỷ lệ mắc bệnh 42,9/100.000 người.
U nấm có thể xuất hiện sau điều trị lao phổi, hoặc phát triển trên những hang lao cũ đã điều trị khỏi từ lâu. Đây là tình trạng nhiễm trùng cơ hội do sức đề kháng của cơ thể giảm (nhiễm siêu vi mới khỏi, đái tháo đường lâu dài, giảm miễn dịch). Một số tác nhân khác gây ra bệnh này bao gồm sarcoidosis (bệnh lý u hạt ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể, nhất là phổi), giãn phế quản, nang phế quản, phổi biệt lập, viêm phổi do nhiễm trùng bào tử Pneumocystis đi kèm với thành phế quản mỏng.
Nếu không điều trị kịp thời, u nấm phổi Aspergillus tiến triển nhanh, triệu chứng (phổ biến là ho ra máu) trầm trọng. Người bệnh luôn mệt mỏi, xanh xao, thiếu máu, dễ mắc bệnh truyền nhiễm do suy giảm miễn dịch. Bên cạnh đó, khối u tăng sinh, gây viêm phổi liên tục, tổn thương phổi.
Bác sĩ Hiếu khuyến cáo người bệnh nên đi khám ngay khi có dấu hiệu ho ra máu, khó thở, sốt, mệt mỏi, sụt cân. Nguy cơ biến chứng u nấm phổi thường gặp trên bệnh nhân lao, người bệnh lao phát hiện muộn có tổn thương tạo hang tại phổi.
Nguồn: https://vnexpress.net/u-nam-phoi-sau-chua-lao-4713499.html