SKĐS – Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Theo báo cáo của WHO năm 2020 có hơn 172.000 người mắc bệnh lao và có 10.400 người tử vong vì căn bệnh này, trong đó, 63% bệnh nhân lao tử vong chỉ bị lao thường.
Có đến 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí vượt quá 20% thu nhập hàng năm của gia đình cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Điều đáng nói là, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Trung bình một người mắc lao sẽ mất đi từ 3-4 tháng lao động. Sự nghèo khó lại càng đưa người bệnh lao vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật. Vì vậy, bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư để chấm dứt được bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với khả năng lây lan trong cộng đồng cao, do đó việc phòng chống lao dựa vào cộng đồng được xem là yếu tố bền vững để tiến đến đích trong việc thanh toán bệnh lao.
Trong những năm qua chương trình Chống lao Quốc gia đã rất nỗ lực và công tác chống lao và thu được những thành tựu nhất định. Đặc biệt, sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV, Lao và sốt rét, Trung tâm Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) là đơn vị chủ trì dự án đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ tổ chức và huy động cộng đồng người dân tham gia tại các tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó có tỉnh Gia Lai trong phòng, chống bệnh lao và Sốt rét.
BS. Mai Minh Hiền, Giám đốc BV Lao và Bệnh Phổi Gia Lai cho biết, dự án phòng chống lao dựa vào cộng đồng tại Gia Lai được thực hiện tại 22 xã thuộc 3 huyện: Krông Pa, Đức Cơ, Chư Prông. Trong đó, huyện Krông Pa được thực hiện toàn huyện; Huyện Chư Prông thực hiện tại 4 xã: Ia Puch, Ia Mơ, Ia Pior, Ia Lâu và Huyện Đức Cơ gồm 4 xã: Ia Nan, Ia Pnôn, Ia Kriêng, Ia Dom
Trước đây, chẩn đoán lao bằng soi đờm trực tiếp, nếu lượng vi khuẩn lao ít thì có nguy cơ “bỏ sót” bệnh nhân. Tuy nhiên, khi có chiến lược quốc gia sàng lọc Lao 2X (Xquang – Xpert), việc chẩn đoán và sàng lọc bệnh lao, lao tiềm đã dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều lần. Đặc biệt với máy Gene Xpert, chỉ vài con vi khuẩn cũng chẩn đoán lao được, chỉ trong vòng hai giờ là có kết quả, độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao. Kết quả Gene Xpert cho biết mẫu bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không, có nhiều hay ít vi khuẩn và vi khuẩn có kháng thuốc (kháng Rifamycin) hay không để có hướng điều trị phù hợp. với sự tài trợ của dự án và đặc biệt
Cũng theo BS. Hiền, do nhân lực, vật lực của bệnh viện nói riêng và của toàn tỉnh nói chung còn gặp rất nhiều khó khăn nên trước đây công tác sàng lọc bệnh lao thường là thụ động. Tức là người bệnh khi có các dấu hiệu khởi phát bệnh mới đến cơ sở y tế kiểm tra và sau đó mới được phát hiện lao. Mặt khác với đặc thù là địa phương với đa số là đồng bào dân tộc điều kiện kinh tế còn khó khăn chưa có điều kiện nhiều để quan tâm đến sức khoẻ, hơn nữa do bất đồng về ngôn ngữ nên nhiều các thông điệp truyền thông về dịch bệnh nói chung và bệnh lao nói riêng khó hiệu quả. Do đó rất khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống lao nói riêng.
Tuy nhiên, bây giờ nhờ có dự án việc sàng lọc chủ động đặc biệt có các xe chụp lưu động về tận địa phương với đội ngũ cộng tác viên, nhân viên y tế đến từng nhà, rà từng người mời đến Nhà văn hóa hoặc Trạm y tế xã để khám mà không cần phải đi xa khiến cho công tác sàng lọc chủ động thuận lợi hơn bao giờ hết.
BS. Hiền cũng thông tin thêm, mặc dù đạt được những tín hiệu vui trong công tác phòng chống lao, song công tác điều trị lao hiện vẫn đang là nút thắt cần được tháo gỡ. Thông thường đối với bệnh nhân lao phác đồ điều trị từ 1 đến 3, sau khi điều trị liều tấn công ở bệnh viện đã ổn, bệnh nhân được ra viện và về nhà tiếp tục điều trị, tuy nhiên nhiều bệnh nhân thấy điều trị tại viện đã đỡ, ngỡ mình khỏi nên không tuân thủ điều trị theo phác đồ, bỏ dở điều trị hoặc quên không dùng thuốc theo hướng dẫn…Việc này rất nguy hiểm vì nguy cơ bệnh lây lan trong cộng đồng cũng như có dẫn đến lao kháng thuốc…
Theo đó, để đạt mục tiêu vào năm 2030 đòi hỏi phải có sự quan tâm của các cấp chính quyền cơ sở đến công tác chống lao, xã hội hóa công tác chống lao…
H.Nguyên – suckhoedoisong.vn