SKĐS – Nếu người bệnh mắc lao không điều trị đúng thuốc, đủ thời gian có thể dẫn đến lao kháng thuốc. So với việc điều trị lao thông thường, lao kháng thuốc sẽ tốn chi phí gấp hàng chục lần.
Lao kháng thuốc làm gia tăng gánh nặng xã hội
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Chương trình chống lao đã phát hiện được 48.056 ca bệnh, dù cao hơn so với cùng kỳ 2 năm trước đó. Các chuyên gia đánh giá, dịch tễ lao ở Việt Nam vẫn rất cao. VIệt Nam được xếp thứ 10 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc trên toàn cầu. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 những năm qua khiến tình hình phát hiện và thu nhận bệnh nhân lao kháng thuốc thấp hơn chỉ tiêu rất nhiều, năm 2021 chỉ đạt 53% chỉ tiêu đề ra.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia cho biết, lao kháng thuốc là một vấn đề lớn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Việt Nam là nước có chương trình phòng chống lao mạnh, nên lao kháng thuốc đang có chiều hướng giảm. Mặc dù chưa có điều tra cụ thể, nhưng trong những năm gần đây, số phát hiện lao kháng thuốc đang giảm, là một dấu hiệu tốt.
Thông tin cho phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, trong tổng số 170.000 ca mắc lao mới hàng năm có khoảng 7000 ca bị lao kháng thuốc, tuy nhiên chúng ta mới phát hiện được 5000 ca. Chữa bệnh lao đa kháng thuốc phức tạp hơn, thuốc điều trị tốn kém gấp hàng chục lần so với bệnh lao thông thường nhưng hiện nay thuốc điều trị lao hay lao kháng thuốc đều được cung cấp miễn phí qua bảo hiểm y tế.
Ngoài việc khó khăn, tốn kém, mất nhiều thời gian hơn nhiều trong điều trị, chủng lao đa kháng thuốc còn là mối đe dọa nguy hiểm khi lây lan ra cộng đồng. Có những bệnh nhân lao kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng như chỉ kháng một loại thuốc, nhưng có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng gọi là lao đa kháng thuốc, nặng hơn là siêu kháng thuốc.
“Khi mắc lao kháng thuốc người bệnh sẽ đối mặt với nhiều khó khăn như mất thời gian lao động, mất trên 20% thu nhập gia đình trong 1 năm, khoảng 62% những người mắc lao đối mặt với chi phí thảm hoạ”, Chủ nhiệm Chương trình chống lao nói thêm.
Lao kháng thuốc có nguyên nhân từ nhiều phía
Lao kháng thuốc nguy hiểm là vậy, vậy nguyên nhân nào làm xuất hiện tình trạng kháng thuốc trong điều trị lao? PGS.TS Nguyễn Viết Nhung chỉ rõ, nguyên nhân lao kháng thuốc từ người bệnh và cả thầy thuốc.
Thói quen dùng thuốc của người Việt Nam là dùng thuốc đỡ bệnh là ngưng thuốc. “Điều này cực kỳ nguy hiểm đặc biệt là trong dùng thuốc kháng sinh. Với thuốc kháng sinh, người bệnh phải dùng đúng liều, đủ liệu trình, hay còn gọi là đủ phác đồ. Đối với bệnh lao điều này lại càng quan trọng hơn”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.
Thông thường, bệnh lao phải điều trị phối hợp ít nhất từ 3 loại thuốc trở lên, đối với lao kháng thuốc là 4 loại. Có 2 giai đoạn trong điều trị lao là tấn công và duy trì. Ở giai đoạn tấn công, hầu hết sẽ giúp người bệnh giảm ngay triệu chứng, hầu hết bệnh nhân sẽ gần như khỏi bệnh.
“Nhưng giai đoạn duy trì rất quan trọng, đảm bảo người bệnh khỏi bền vững, nếu điều trị giai đoạn này không đủ thời gian, bệnh sẽ dễ tái phát. Khi tái phát bệnh có nguy cơ kháng thuốc”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.
Tại Việt Nam, nguy cơ tái phát ở những người phát hiện lần đầu là dưới 4%. Nếu đã từng điều trị kháng thuốc mà phát hiện lần thứ 2 thì nguy cơ tái phát là 17%, cao hơn rất nhiều so với những người phát hiện lần đầu. Điều quan trọng nhất trong điều trị lao nói chung và lao kháng thuốc là người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ đúng phác đồ và uống đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ.
Nguyên nhân xuất hiện lao kháng thuốc có thể từ người thầy thuốc. Hiện nay đang chuyển đổi điều trị lao ở mọi cơ sở y tế, thuốc chống lao đã chính thức được thanh toán bằng nguồn BHYT, vì thế nếu người thầy thuốc được đào tạo hoặc đào tạo chưa đầy đủ, khiến việc kê đơn thuốc không đảm bảo, dễ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, hay còn gọi là dùng thuốc không an toàn.
Với bệnh lao, phác đồ điều trị ngắn nhất hiện nay là 4 tháng và dài nhất có thể lên tới 1 năm. Đây là phác đồ tiên tiến nhất, đang được áp dụng tại Việt Nam. Thầy thuốc và bệnh nhân cần phải tuân thủ, làm sao đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian…
Bên cạnh dùng thuốc không đúng, nhiều người dân còn tự mua thuốc về dùng. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung khuyên, những thuốc thông thường như thuốc cảm cúm, ho, sốt… khi người dân có kiến thức nhất định để bảo vệ sức khoẻ cho mình thì có thể đi mua. Tuy nhiên với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị đặc hiệu hoặc thuốc điều trị chuyên khoa thì người dân không nên tự “kê đơn” mua thuốc cho mình. Cần dùng thuốc theo đơn của bác sĩ để không chỉ an toàn mà còn đảm bảo việc chữa bệnh.
Người mắc bệnh lao cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định dùng thuốc lao về loại thuốc, liều lượng, và thời gian … để đảm bảo hiệu quả chữa bệnh, phòng tránh kháng thuốc. Dùng thuốc không đảm bảo an toàn sẽ để lại nhiều hậu quả đáng tiếc, người mắc lao kháng thuốc phải gánh những chi phí khổng lồ về thời gian, sức khỏe, tài chính do không thể lao động….
Hải Yến – suckhoedoisong.vn