Thông cáo báo chí ngày Thế Giới phòng, chống lao 24 tháng 3 năm 2022

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG LAO 24 THÁNG 3 NĂM 2022

  1. Ngày thế giới phòng chống lao
  2. Giới thiệu:

Ngày Thế giới Phòng chống Lao được tổ chức vào ngày 24 tháng 3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Vào ngày 24 Tháng 3 năm 1882 tại Berlin, Robert Koch đã công bố việc phát hiện ra vi khuẩn lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này.

  1. Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao của thế giới năm 2022:

Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm nay trên toàn cầu là “Invest to end TB. Save lives”. Chủ đề nhấn mạnh về việc đưa ra nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần đầu tư, kêu gọi, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao, đạt được các cam kết chấm dứt bệnh lao do các nhà lãnh đạo toàn cầu đưa ra, và mục tiêu nhân văn nhất là cứu sống hàng triệu người trên thế giới không đáng phải chết vì bệnh lao. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến tiến trình đạt được cam kết trong giai đoạn cuối bị ảnh hưởng. Nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận phòng ngừa và chăm sóc một cách công bằng, phù hợp nhằm đạt được mục tiêu của Tổ chức y tế thế giới đưa ra: bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Đầu tư nhiều hơn vào việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao sẽ cứu sống thêm hàng triệu người. Mỗi 1 đô la đầu tư cho mục tiêu này sẽ đem lại 43 đô la và nhiều lợi ích của một xã hội khỏe mạnh. Chấm dứt bệnh Lao không chỉ đơn thuần là một mục tiêu đạo đức mà còn rất có ý nghĩ về mặt kinh tế

Lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người chết vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Kể từ năm 2.000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG – WHO Report 2021- Global Tuberculosis Control), mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua, bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khoẻ cộng đồng chính trên toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã đảo ngược nhiều năm (5-8 năm) tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Các mục tiêu phòng chống lao toàn cầu đến năm 2020 hầu hết đều chưa đạt được, mặc dù cũng có một số quốc gia và khu vực vẫn đạt được những thành công nhất định. Tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể trên toàn cầu về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo. Con số này giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống 5,8 triệu người năm 2020, giảm 18% so với mức năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 9,9 triệu người ước tính mới mắc lao năm 2020. Có 16 quốc gia chiếm 93% trong số giảm phát hiện này, gồm có Ấn Độ, Indonesia và Philippines là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Việc giảm khả năng tiếp cận với chẩn đoán và điều trị lao đã dẫn đến gia tăng số ca tử vong do lao. Ước tính năm 2020 có 1,3 triệu ca tử vong do lao (tăng từ 1,2 triệu vào năm 2019) và có 214.000 ca ở những người dương tính với HIV (tăng từ 209.000 vào năm 2019). Nghĩa là tổng số ca tử vong do lao, kể cả lao/HIV là khoảng trên 1,5 triệu người. Đây là những con số tương đương mức độ tử vong năm 2017. Việc giảm tỷ lệ mắc bệnh lao đạt được trong những năm trước gần như đã dừng lại.

Trong kế hoạch chiến lược kết thúc bệnh lao The End TB Strategy đã được ban hành, TCYTTG đã đưa ra mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trên toàn cầu đến năm 2020 giảm 20% số người bệnh lao mới mắc và 35% số người tử vong vì lao so với năm 2015, đến năm 2025 sẽ giảm tương ứng là 50% và 75%. Khối các quốc gia Châu Âu hầu hết đã đạt mục tiêu của năm 2020, với tỷ lệ mới mắc giảm 26%, khu vực Châu Phi cũng có những bước tiến đáng kể, giảm được 18%. Có 78 quốc gia đã trong lộ trình đạt được mục tiêu của năm 2020, trong đó có 7 quốc gia có gánh nặng cao đã đạt được (gồm có Campuchia, Ethiopia, Kenya, Namibia, Liên Bang Nga, Nam Phi và Tanzania). Về mục tiêu giảm số người chết do lao, TCYTTG đánh giá chỉ có 33 quốc gia trên toàn cầu đạt được mục tiêu này năm 2020 (giảm 35% số chết do lao so với năm 2015), trong đó có 06 quốc gia (Kenya; Mozambique, Myanma, Sierra Leone, Tanzania và Việt Nam) trong số các quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao.

WHO đã công bố kết quả của mô hình đánh giá tác động ngắn hạn của đại dịch Covid-19 lên số ca tử vong do lao trong năm 2020. Kết quả cho thấy rằng tử vong do lao sẽ tăng đáng kể trong năm 2020 và sẽ ảnh hưởng đến nhóm bệnh nhân lao dễ bị tổn thương nhất. Nếu như tình hình phát hiện bệnh nhân trên toàn cầu giảm 25%-50% trong vòng 3 tháng (so sánh với mức độ phát hiện trước khi xảy ra đại dịch), sẽ có thêm khoảng ước tính khoảng 200.000 – 400.000 ca tử vong do lao được dự báo. Mô hình cũng dự báo số người mắc lao có thể tăng thêm 1 triệu ca mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2025.

  1. Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao của Việt Nam năm 2022:

Trên cơ sở chủ đề của thế giới, áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam, Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao năm 2022 của Việt Nam là “Giảm thiểu tác động của Covid-19 – Tập trung nguồn lực – Tăng cường phát hiện bệnh lao”. Trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 đến tiến trình thanh toán bệnh lao vào năm 2021, chủ đề trên nhấn mạnh năm 2022 này sẽ là lúc để chúng ta giảm thiểu những tác động của dịch bệnh, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh mới, đặc biệt là tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao, trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao là một bước đi điển hình, đột phá có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

  1. Tình hình bệnh lao và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19

Kể từ khi được công bố là “Đại dịch toàn cầu” bởi WHO vào cuối tháng 1/2020, virus corona COVID-19 đã có tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, tâm lý người dân và các dịch vụ, ngành y tế cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng không mong muốn này. Do vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (giám sát dịch, hỗ trợ các tuyến, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm, điều trị người nhiễm, hỗ trợ các tuyến trong phòng, chống dịch…) nên rất nhiều cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài. Các cơ sở y tế, các đơn vị chống lao trên toàn quốc đương nhiên không nằm ngoài tác động chung đối với toàn ngành y tế.

Kể từ thời điểm cuối tháng 4 năm 2021, bắt đầu giai đoạn 4 của Đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, với quy mô đại dịch lớn nhất từ trước đến nay tại nước ta, sự ảnh hưởng là không thể tránh khỏi và đã làm gián đoạn hoạt động của CTCLQG nhiều nhất kể từ đầu năm 2020. Nhiều cơ sở y tế đã tăng ca làm việc để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, sàng lọc, tổ chức cách ly, giám sát và điều trị bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm COVID-19. Giai đoạn tấn công lần 4 của COVID-19, thảm họa này tập trung vào đại đa số các tỉnh khu vực phía Nam và bắt đầu lan rộng trên toàn quốc. Với nguồn nhân lực có hạn, để đảm bảo sự ổn định của hoạt động chống lao, y tế dự phòng nên nhiều đơn vị đều lâm vào tình trạng thiếu nhân lực cho các hoạt động thường quy của chương trình, một số hoạt động tại một số tỉnh còn chưa thể triển khai theo kế hoạch (phát hiện chủ động, xét nghiệm, chẩn đoán, kiểm soát nhiễm khuẩn…) do việc thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng tại nhiều tỉnh, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế hiện đang giảm mạnh, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, số lượng bệnh nhân đến khám giảm lên đến 50-70% ở nhiều nơi. Việc này một mặt sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người có bệnh khi tự chữa bệnh tại nhà, mặt khác có thể tác động đến tất cả các đơn vị tự chủ trong hệ thống chương trình chống lao. Số lượng bệnh nhân tiếp cận các cơ sở giảm, việc thực hiện các hoạt động của chương trình cũng không được diễn ra, nên tình hình phát hiện bệnh nhân, công tác điều trị, đảm bảo việc tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ, giám sát, bệnh nhân lao tái khám, lĩnh thuốc,…  không được thực hiện một cách chính xác và đầy đủ. Hoạt động của CTCLQG, đặc biệt là hoạt động phát hiện, đã bị ảnh hưởng nghêm trọng bởi đại dịch Covid.

Tại Việt Nam, trong 2 năm qua, Bệnh viện Phổi Trung ương, cũng như hầu hết các Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi trên cả nước tích cực tham gia công tác chống dịch Covid – 19, hầu hết các can thiệp chống lao được áp dụng cho dịch bệnh Covid 19 do có những điểm tương đồng. Chính vì vậy mà nhiều địa phương đã chuyển công năng Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi sang điều trị Covid – 19. Điều này đã tác động hết sức nặng nề đến hoạt động chống lao trong cả nước, thậm chí làm gián đoán, đứt gẫy mạng lưới chống lao các tuyến, người bệnh lao không biết đến đâu để chẩn đoán, phát hiện, điều trị, làm gia tăng nguồn lây lao trong cộng đồng, tăng số người mắc và tử vong.

Vì vậy, Văn phòng Uỷ ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao, Chương trình Chống lao Quốc gia có công văn yêu cầu các địa phương củng cố hệ thống y tế phòng chống lao tại tất cả các tuyến (tỉnh, huyện, xã) song song với kế hoạch ứng phó với dịch bệnh        Covid, đặc biệt là tuyệt đối không chuyển đổi công năng điều trị Covid -19 vượt quá 50% số giường điều trị của các bệnh viện chuyên khoa.

III. Ngày thế giới phòng chống lao tại Việt Nam

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Có hơn 172.000 người người mắc bệnh lao và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo WHO 2020). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa – nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

COVID-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, ~ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của khoảng 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Nhờ triển khai Chiến lược 2X, chúng ta có thể phát hiện sớm ca bệnh, đưa vào điều trị và cắt đứt nguồn lây của bệnh lao. Trong 12 tháng triển khai, dự án đã góp phần phát hiện 2.032 ca lao hoạt động và 1.303 ca lao tiềm ẩn. Dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao áp dụng các sáng kiến và mô hình tiếp cận mới để tiến tới mục tiêu tăng cường phát hiện bệnh lao đưa vào điều trị cho hơn 90% người được phát hiện và đảm bảo điều trị thành công ít nhất 90% bệnh nhân lao. Nếu bệnh lao được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam. Không chỉ có giá trị trong phát hiện các ca mắc lao, máy Gene Xpert còn có tác dụng hiệu quả trong xét nghiệm SARS-CoV-2. Gene Xpert bản chất là xét nghiệm Real-Time PCR, có nhiều ưu điểm như là hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động từ khâu tách chiết, trộn đến phân tích, thời gian rút ngắn chỉ còn trong vòng 45 phút và không hề có sự can thiệp của con người. Với phương pháp này, con người chỉ can thiệp chủ yếu là khâu lấy và vận chuyển mẫu. Hệ thống xét nghiệm Gene Xpert gồm 218 máy đặt tại các địa phương của Chương trình phòng chống lao sẵn sàng tham gia xét nghiệm SARS-CoV-2 khi có yêu cầu. Đây là một phương pháp mới nhanh chóng, hiệu quả, phát hiện sớm người mắc COVID-19. Trên thực tế, những người tử vong do lao chủ yếu là do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Một trong những nguyên nhân là do vẫn còn tồn tại sự mặc cảm của người bệnh, sự kỳ thị của xã hội đối với người bệnh lao.

Ngày 04 tháng 12 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao (Ủy ban Quốc gia). Ủy ban Quốc gia được chính thức thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc, điều phối các bộ, ban, ngành, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng trong phòng, chống bệnh lao nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt nam vào năm 2030, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, Việt Nam đã có Chương trình Chống lao Quốc gia, với mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc mà nòng cốt là Bệnh viện Phổi Trung ương, có Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB)…Tất cả những điều đó sẽ giúp Chương trình đạt được mục tiêu đã đề ra: Đến năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.

Trong cuộc chiến này, một lực lượng vô cùng quan trọng là người phụ nữ trong mỗi gia đình. Chương trình Chống lao Quốc gia đặt ra mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình họ không mắc lao. Hội Phổi Việt Nam đã thành lập Chi hội Phụ nữ và đây sẽ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng, chống lao đến từng hội viên Hội Phụ nữ Việt Nam trong toàn quốc. Đồng thời, Chương trình cũng đặt chỉ tiêu 10 triệu thanh niên và 100% học sinh bậc tiểu học có kiến thức và thực hành về công tác phòng, chống lao.

Trong 02 tháng 12/2020-1/2021, Chi hội Thanh niên Hội Phổi Việt Nam đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống lao, COVID-19 cho các giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên trường từ tiểu học đến đại học như sản xuất tài liệu truyền thông, xây dựng tài liệu đào tạo, tập huấn về bệnh lao, COVID-19; tiến hành trước và sau nghiên cứu để đánh giá tác động của hoạt động… Hoạt động tuyên truyền đã được thực hiện tại 13 điểm trường tiểu học, THPT, Đại học tại 04 tỉnh/TP là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ với số lượng tham gia hơn 3.000 học sinh, sinh viên. Đặc biệt, Chi hội thanh niên đã sản xuất MV ca nhạc “Để Mị nói về bệnh lao“, với giai điệu tươi vui, lời nhạc dễ nghe, tuyên truyền những triệu chứng, cách phòng tránh, điều trị bệnh lao một cách dễ hiểu, nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng. Thực hiện phim ngắn bằng tranh cát truyền thông về bệnh lao. Trong năm 2021, mạng lưới truyền thông 63 tỉnh được thành lập, số lượng và nội dung tìn, bài được cập nhật thường xuyên. Phương thức truyền thông của Chương trình chống lao quốc gia ngày càng đa dạng, phong phú, sáng tạo. Chiến dịch truyền thông mang tên “Tâm sự ngành lao, những điều chưa kể” với mục tiêu nâng cao nhận thức người dân về bệnh lao, thể hiện sự tự hào, những kỷ niệm khó quên của các chiến sỹ áo trắng đã và đang công tác trong ngành lao thành công, thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng…

  1. Chiến dịch truyền thông:
  2. Chi hội Phụ nữ phòng chống lao (VILA)

– Xây dựng tài liệu, tập huấn, truyền thông, biểu mẫu, tờ rơi, báo cáo…

– Phối hợp với Hội LHPN Việt Nam: Tập huấn cán bộ phụ nữ cấp tỉnh, huyện và xã; Tổ chức các hoạt động lồng ghép với các hoạt động của hội phụ nữ cấp tỉnh, huyện và xã; Giám sát và thu nhận biểu mẫu báo cáo; Tổ chức hội thảo…

  1. Chi hội Thanh niên phòng chống lao (VILA)

– Tổ chức nâng cao nhận thức về phòng chống lao, COVID-19 cho cộng đồng thông qua livestream trực tuyến trên fanpage và giải đáp các thắc mắc cho độc giả về bệnh lao, đồng thời thực hiện cầu truyền hình trực tuyến với Chi hội Thanh niên các tỉnh/TP.

– Phối hợp với Johnson&Johnson thực hiện chương trình Youth Campaign:  Đây là chiến dịch với mục đích giúp thay đổi hành vi/ phát triển thói quen kiểm tra sức khỏe của giới trẻ  (18-29 tuổi)  từ đó giúp phòng ngừa, sàng lọc và điều trị sớm cho đối tượng mắc lao.

  1. Thực hiện TVC quảng cáo nhằm quảng bá, kêu gọi nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB:

Hiện nay, Việt Nam vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế mặc dù cũng đã có sự hỗ trợ của Nhà nước. Kinh phí đồng chi trả của người có thẻ theo Luật Bảo hiểm y tế cũng sẽ là gánh nặng lớn đối với những người nghèo và cận nghèo, đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mắc lao.

Một rào cản kinh tế xã hội khiến cho họ không tuân thủ được theo phác đồ dẫn đến bỏ trị và nguy cơ kháng thuốc cao. Có nhiều trường hợp vì sợ phát hiện ra bệnh, phải đối diện với bài toán chi phí nên giấu bệnh, làm nguồn lây kéo dài. Không có ai được miễn trừ không mắc lao, nhưng người nghèo có nguy cơ mắc lao cao hơn 2,5 lần và cái nghèo này đã khiến họ không đủ điều kiện để chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Với mục tiêu cơ bản của Quỹ là hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho những người bệnh lao chưa có thẻ, giúp kinh phí đồng chi trả cho tất cả những người bệnh lao trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn để tất cả mọi người dân đều được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao.

“Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB” được Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký, ban hành Quyết định số 380/QĐ-BNV thành lập vào ngày 16/3/2018. Đây là là một quỹ xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ chăm sóc, dự phòng, điều trị cho người bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, có phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Cho tới hết tháng 12/2021, Quỹ đã hỗ trợ cho gần 3000 lượt người bệnh với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Năm 2021, Quỹ đã phối hợp với Cổng 1400 tổ chức vận động nhắn tin ủng hộ người bệnh lao qua đầu số 1402 trong sự kiện Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2021, chương trình đã huy động được 43.000 tin nhắn tương đương với 871 triệu đồng.

Với mong muốn, vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương – Chương trình Chống lao Quốc gia – Quỹ PASTB tiếp tục phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB:

– Thời gian: Bắt đầu từ 00h00 ngày 22/03/2022 đến 24h00 ngày 20/5/2022.

– Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402

(20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).

Ngoài ra, các tổ chức/ cá nhân có thể tài trợ cho Quỹ trực tiếp hoặc chuyển khoản theo thông tin:

– Đơn vị: Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao

– Địa chỉ: Tầng 1, Nhà K, Bệnh viện Phổi Trung ương

Số 463 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP Hà Nội

– Số tài khoản: 160 10 00 028869 9

– Tại: Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Sở Giao dịch 3

Mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao, trong đó có người thân của mỗi chúng ta.

  1. Một số khẩu hiệu Ngày Thế giới Phòng, chống lao năm 2022
    1. Giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid -19 – Tập trung nguồn lực – Tăng cường phát hiện bệnh lao!
    2. Lan tỏa yêu thương – Kết nối cộng đồng – Chấm dứt bệnh lao!
    3. Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2022!
    4. Phải phòng, chống Lao như phòng, chống COVID-19!
    5. Đã đến lúc cùng hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao!
    6. Sàng lọc sớm – Tránh trở nặng – Ngừa tử vong !
    7. Đừng ngại COVID mà không đi sàng lọc lao !
    8. Gặp ngay bác sỹ khi có triệu chứng nghi lao !
    9. Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm lao!
    10. Không ai đáng phải chết vì bệnh lao, đặc biệt là trẻ em!
    11. Tôi không sợ bệnh lao, tôi sợ sự xa lánh và vô cảm của xã hội!
    12. Chiến thắng bệnh lao, chiến thắng đói nghèo!
    13. Phòng chống lao – Trách nhiệm của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân, tiến tới thanh toán bệnh lao!
    14. Vì sức khỏe Việt Nam, hãy cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030!

Chi tiết liên hệ: Phòng Công tác xã hội và Truyền thông, Bệnh viện Phổi Trung ương, email: [email protected], số điện thoại: 0243.2115063.

Thẻ:

Bài viết liên quan