Trung bình mỗi người cao tuổi ở Việt Nam mắc trên 3 bệnh phối hợp

SKĐS – Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc. Trung bình một người cao tuổi sống tại cộng đồng mắc 3 bệnh mạn tính. Với các bệnh nhân nhập viện tại BV Lão khoa TW thường mắc 5-6 bệnh. Điều này đòi hỏi hệ thống y tế cần có những thay đổi phù hợp để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng.

Chia sẻ bên lề Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ 3 diễn ra ngày 12/11 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Trung Anh – Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn so với các dự báo trước đó là vào năm 2017.

Số người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây, hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 11,86% dân số). Tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số.

TS. Nguyễn Trung Anh cho hay, người cao tuổi trong xã hội vẫn là một nguồn lực rất quan trọng và không thể thiếu. Họ là những người có trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi là yêu cầu cấp thiết.

Sức khỏe là điều kiện tiên quyết để người cao tuổi có cuộc sống tích cực, truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu.

“Thế nhưng, trung bình mỗi người cao tuổi có thể mắc trên 03 bệnh lý như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, Sa sút trí tuệ, đột quỵ…. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi” – Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương nói.

GS.TS Phạm Thắng – Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cũng cho rằng, bệnh lý người cao tuổi có những đặc điểm riêng không giống với các lứa tuổi khác: Khi về già, nhiều cơ quan trong cơ thể bị lão hóa dẫn đến suy giảm chức năng ở các mức độ khác nhau, làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, khả năng hồi phục sức khỏe kém.

Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh mạn tính và thoái hóa, trong đó phải kể đến bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư các loại, COPD, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ… Đa số các bệnh này ít nhiều có liên quan đến lối sống và nói chung phải điều trị suốt đời.

“Tuổi cao và các bệnh mạn tính là nguyên nhân chính dẫn đến giảm hoạt động chức năng hàng ngày ở người già như: giảm khả năng tự đi lại, vệ sinh cá nhân, ăn uống, khả năng giao tiếp, quản lý tài sản, tiền bạc của người già… Việc mất tính độc lập trong hoạt động chức năng hàng ngày là nguyên nhân gây tàn phế và đòi hỏi các biện pháp trợ giúp thích hợp…” – GS. TS Phạm Thắng nói.

Các chuyên gia nhấn mạnh, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là nhu cầu cấp thiết đặt ra trong khi dịch vụ y tế cho người cao tuổi ở Việt Nam còn hạn chế, thiếu bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi… Bên cạnh đó, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Chính vì thế, hội nghị lần này tập trung vào việc cập nhật những thay đổi mới nhất trong hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các nước phát triển, đồng thời tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong việc xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chuyên gia chia sẻ, cung cấp các thông tin y khoa chuyên sâu trong lĩnh vực Lão khoa về dự phòng, điều trị và chăm sóc các bệnh lý mạn tính và cấp tính của người cao tuổi (như: Lão hóa và Sa sút trí tuệ, Tim mạch can thiệp, Đái tháo đường và nội tiết chuyển hóa, Lão khoa tổng quát, bệnh lý Thần Kinh–Alzheimer, cơ xương khớp, tăng huyết áp…).

Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ 3 do Hội Lão khoa Việt Nam và Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức vào ngày 12-13/11/2022 với tổng 23 phiên hội thảo, thu hút sự tham gia của trên 50 báo cáo viên, gần 500 đại biểu, tham dự trực tiếp và trực tuyến, thuộc các bệnh viện tuyến Trung ương, địa phương, các viện nghiên cứu, các cơ sở cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi, các đối tác phát triển và đặc biệt là sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành tại Mỹ, Pháp, Úc.

Đây là sự kiện được tổ chức thường niên với mục đích không ngừng nâng cao năng lực chẩn đoán, quản lý và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đồng thời kêu gọi toàn xã hội cùng chung tay để tất cả người cao tuổi Việt Nam được sống vui, sống khỏe.

Dương Hải – suckhoedoisong.vn

Thẻ:

Bài viết liên quan